1. Về lịch sử: Đình Lập là huyện miền núi, biên giới nằm ở phía Đông Nam tỉnh Lạng Sơn, có vị trí chiến lược quan trọng, được hình thành và phát triển qua các thời kỳ lịch sử, gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nhân dân huyện Đình Lập có tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động, anh dũng, kiên cường trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm, góp phần bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biên giới quốc gia.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của thời kỳ lịch sử oanh liệt, nhân dân huyện Đình Lập đã cùng với nhân dân toàn tỉnh lập nên những chiến công oanh liệt, góp phần viết nên những trang sử vẻ vang truyền thống cách mạng của quê hương. Trong những năm 1945 - 1975, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong huyện cùng nhân dân cả nước vừa đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, vừa kiên cường chiến đấu bảo vệ quê hương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vừa làm tròn nghĩa vụ hậu phương đối với tiền tuyến, góp phần vào chiến thắng Điện Biên phủ 1954 và chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước. Ghi nhận kết quả đã đạt được của quân và dân huyện Đình Lập, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, các khu căn cứ du kích, nhất là chiến khu Nà Thuộc, lập nên những chiến công hiển hách và được Bác Hồ kính yêu tặng Bức trướng thêu bốn chữ "ỦNG HỘ KHÁNG CHIẾN"; tháng 11 năm 2000 huyện Đình Lập được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ chống Pháp; tháng 10 năm 2005, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Hai cho cán bộ, nhân dân các dân tộc huyện Đình Lập; tháng 6 năm 2005 xã Bính Xá và Kiên Mộc được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ chống Pháp và tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý.
Phát huy truyền thống đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong công cuộc đổi mới, sau những năm chiến tranh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Đình Lập với tinh thần đoàn kết vượt khó, nêu cao tinh thần tự chủ, dám nghĩ dám làm, luôn tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu các nghị quyết đại hội Đảng đã đề ra, chủ động khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của người dân trên địa bàn huyện, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đưa huyện Đình Lập phát triển đi lên. Đến nay huyện đã có bước phát triển khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
2. Về Văn hoá: Là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc khác nhau, do đó, huyện Đình Lập có truyền thống văn hóa phong phú, đa dạng mang đậm nét đặc trưng văn hóa của cộng đồng các dân tộc như: Tày, Nùng, Kinh, Dao, đan xen giữa văn hóa miền ngược và miền xuôi. Trải qua các giai đoạn lịch sử, chịu sự chi phối của nhiều yếu tố khác nhau, nhân dân các dân tộc huyện Đình Lập luôn có ý thức bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của cha ông để lại, được thể hiện trong các di tích văn hóa vật thể và phi vật thể như các lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, trò chơi dân gian, trang phục. Huyện Đình Lập hiện còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa nổi bật với nhiều di sản văn hóa dân gian đặc sắc như: hát Then, Sli, Lượn; các trò chơi dân gian; lễ cấp sắc, lễ cưới của người Dao. Bên cạnh các giá trị văn hóa dân gian, Đình Lập còn có giá trị văn hóa ẩm thực rất phong phú, đa dạng mang đặc trưng riêng, khá độc đáo, hấp dẫn khách du lịch như: rượu ba kích, bún ngô khô, nấm lim, các loại chè, mứt gừng, chuối tiêu hồng, mật ong, rượu men lá, lợn quay, vịt quay nhồi lá mắc mật, khau nhục, cua lông, nhộng ong, bánh gio,gà dưới tán rừng, trứng kiến, thịt treo gác bếp, hoa đào chuông … Trong thời gian qua, huyện Đình Lập thường xuyên khuyến khích khối tư nhân, doanh nghiệp bảo tồn và phát huy các sản phẩm nông sản, ẩm thực địa phương phục vụ nhu cầu ăn uống của khách du lịch.Về tập quán sinh hoạt: các dân tộc trên địa bàn huyện Đình Lập có nhiều phong tục, tập quán độc đáo mang đậm bản sắc nay vẫn được lưu giữ. Những tập quán sản xuất, sinh hoạt hằng ngày, phong tục, lễ nghi chu kỳ vòng đời, lễ hội, sinh hoạt cộng đồng... là những tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn đối với du khách ưa khám phá trải nghiệm.