Hội nghị trực tuyến ba cấp triển khai cấp bách nhiệm vụ công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi
Ngày 2/7, UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội nghị trực tuyến ba cấp riển khai cấp bách nhiệm vụ công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Dự hội nghị tại điểm cầu huyện Đình Lập có đồng chí Phạm Hùng Trường – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, đồng chí Nguyễn Văn Hà – Chủ tịch UBND huyện.
Theo báo cáo tại hội nghị, từ đầu năm 2024 đến ngày 30/6, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra ở 2.874 hộ tại 579 thôn của 138 xã, phường trên địa bàn 11 huyện, thành phố; số lợn chết và tiêu hủy là 9.512 con với tổng trọng lượng trên 434,2 tấn. Nguyên nhân chính làm dịch bệnh tiếp tục tái phát, lây lan ra diện rộng là do một số địa phương cấp huyện, cấp xã chưa thực sự quyết liệt trong công tác chống dịch do nhận thức chưa đầy đủ, chưa đúng tính chất nguy hiểm của bệnh DTLCP; chính quyền cơ sở chưa giám sát, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện công tác chống dịch theo đúng quy định; hộ chăn nuôi lợn chưa chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh thú y tối thiểu trong phòng, chống dịch bệnh; việc tổ chức xử lý, tiêu hủy lợn bệnh còn nhiều bất cập; chưa quản lý triệt để được việc vận chuyển lợn, giết mổ lợn trong vùng dịch theo quy định...
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu huyện Đình Lập
Tại hội nghị, đại diện các huyện, xã đã báo cáo tình hình triển khai công tác phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn. Đồng thời nêu một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện như: công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng chưa triệt để; việc công bố dịch và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch còn chưa theo quy định; tiêm vắc xin phòng bệnh DTLCP chưa đảm bảo...
Tại hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, xã chỉ đạo, huy động toàn bộ lực lượng để triển khai công tác chống dịch, thành lập các tổ tiêu hủy, phun tiêu độc khử trùng; căn cứ vào tình hình thực tế tại gia đình có lợn bị tiêu hủy, áp dụng việc tiêu hủy toàn bộ số lợn trong chuồng để tránh lây lan mầm bệnh. Cùng với đó là tăng cường tuyên truyền người dân chủ động phòng bệnh cho đàn vật nuôi, không giấu dịch; chủ động từ ngân sách dự phòng địa phương hỗ trợ công tác phòng, chống dịch; thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật...Đồng thời, yêu cầu các sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các biện pháp quyết liệt phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Thế Mạnh